Trang chủ
Ăn uống lành mạnh

Giới thiệu về các chế độ ăn thịnh hành

Ngày nay, với nhu cầu ngày càng tăng về việc duy trì cân nặng và cải thiện sức khỏe, các chế độ ăn kiêng đang trở thành xu hướng phổ biến. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan về một số chế độ ăn kiêng đang được ưa chuộng.

1. Chế độ ăn DASH

Chế độ ăn kiêng DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) không chỉ hướng đến việc kiểm soát huyết áp mà còn là lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn DASH khuyến nghị:

  • Ăn rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt

  • Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, cá, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt và dầu thực vật

  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như thịt mỡ, các sản phẩm từ sữa nguyên chất béo và các loại dầu nhiệt đới như dừa, hạt cọ và dầu cọ.

  • Hạn chế đồ uống, đồ ngọt có đường

  • Giàu kali, canxi, magie, chất xơ và protein

  • Natri thấp

 

2. Chế độ ăn không chứa Gluten

Chế độ không gluten là lựa chọn cần thiết cho những người mắc bệnh Celiac và những rối loạn khác liên quan đến gluten. Khi trong thức ăn có chứa gluten, cơ thể phản ứng mạnh mẽ với loại protein này gây ra những triệu chứng tiêu hóa. Chế độ ăn này loại bỏ các thực phẩm chứa protein gluten như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch nhiễm gluten. Chế độ này giúp giảm các triệu chứng tiêu hóa, giảm viêm và tăng cường năng lượng.

3. Chế độ nhịn ăn gián đoạn

Chế độ nhịn ăn gián đoạn là phương pháp linh hoạt, xoay vòng giữa những kỳ nhịn ăn và thời gian ăn uống bình thường. Bạn sẽ hạn chế lượng thức ăn trong 8 giờ và nhịn ăn trong vòng 16 giờ tiếp theo. Trong khoảng thời gian này, bạn vẫn có thể uống nước và những loại đồ uống không chứa calo như cà phê hay trà nguyên chất. Chế độ ăn này hiện nay đang được áp dụng phổ biến, nó giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và giảm lượng chất béo.

 

4. Chế độ ăn Low Carb

Chế độ low carb hạn chế thực phẩm chứa nhiều carbohydrate hoặc đường bổ sung như đồ ngọt, tinh bột, ngũ cốc tinh chế; tập trung vào protein, chất béo và rau xanh. Người ta thường sử dụng chế độ ăn này để hỗ trợ giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu.

 

5. Chế độ ăn Keto

Chế độ keto là chiến lược ăn ít carbohydrate, nhiều chất béo. Giới hạn lượng carbohydrate nạp vào trong ngày ở mức ít hơn 5-10% tổng lượng calo hoặc khoảng 20-50g carbohydrate. Việc giảm carb đưa bạn vào trạng thái trao đổi chất gọi là ketosis. Khi đó, cơ thể sẽ đốt cháy chất béo tạo năng lượng, biến chất béo thành ketones trong gan cung cấp năng lượng cho não. Chế độ ăn này đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Nó đặc biệt hữu ích trong việc giảm cân và điều trị một số tình trạng y tế như tiểu đường, ung thư, động kinh, Alzheimer.

 

6. Chế độ ăn Địa Trung Hải

Chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải tập trung vào những loại thức ăn như cá, trái cây và rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, chế độ này không khuyến khích ăn nhiều thịt, các sản phẩm từ sữa hay đồ ngọt. Các loại thịt được ăn một cách hạn chế, ưu tiên cá và hải sản. Rượu có thể uống nhưng vừa phải, và nước là lựa chọn uống chính. Chế độ này chấp nhận lượng calo từ chất béo nhiều hơn (miễn là chọn chất béo không bão hòa và không bão hòa đơn, như dầu ô liu). Chế độ ăn này tốt cho cả người đã có bệnh tim mạch và người chưa mắc bệnh muốn phòng ngừa, cũng như có thể áp dụng song song với những lời khuyên đặc biệt về dinh dưỡng cho những người cùng lúc có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác (như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu).

 

7. Chế độ ăn ít chất béo (Low-fat)

Chế độ ăn ít chất béo tập trung vào giảm lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày, chất béo không lành mạnh, cholesterol. Chế độ ăn này giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.

 

8. Chế độ ăn chay 100%

Chế độ ăn chay 100% loại trừ tất cả các sản phẩm từ động vật bao gồm thịt, cá, trứng và sản phẩm sữa. Thay vào đó, họ chú trọng vào trái cây, rau củ, đậu và sữa thực vật. Chế độ ăn chay 100% giúp mọi người giảm lượng calo ăn vào một cách tự nhiên, từ đó mang lại lợi ích về giảm cân. Nó còn có hiệu quản trong việc kiểm soát đường huyết, giảm tiến triển của bệnh đái tháo đường type 2.

9. Chế độ ăn Paleo

Chế độ ăn Paleo được xây dựng dựa trên những gì mà con người đầu tiên đã ăn cách đây hàng ngàn năm. Nó là sự kết hợp của thịt, cá, rau, quả và hạt, nhấn mạnh chọn thực phẩm có đường huyết thấp. Mặc dù có nhược điểm, nhưng nghiên cứu ngắn hạn cho thấy nó có thể giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch.

 

Nhớ rằng, trước khi thay đổi chế độ ăn, tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng là quan trọng để đảm bảo rằng nó phù hợp với tình trạng sức khỏe và mục tiêu cá nhân của bạn.